Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Những Cách Xử Lý Khi Có Tranh Chấp Tên Miền Ở Việt Nam

Tại Việt Nam, khi xảy ra các tranh chấp về tên miền sẽ thường được giải quyết thông qua những tổ chức quốc tế, chủ yếu là qua ICANN và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) 

Đối với những tên miền (domain) cấp quốc gia như “.com.vn”, “.vn” việc giải quyết khi xảy ra tranh chấp tên miền được xử lý theo những quy định đã được ban hành trong Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ thông tin và các văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết. Các quy định này khá tương đồng với quy định trong chính  sách của UDPR.
Đối chiếu với những quy định hiện hành, tại Việt Nam các tranh chấp về tên miền “.vn” sẽ có các biện pháp xử lý như sau:

1. Thông qua hòa giải hoặc thương lượng

Theo phương án này, các bên tranh chấp sẽ tiến hành trao đổi và đàm phán cũng như trực tiếp thương lượng với nhau. Đây không bị coi là 1 thủ tục bắt buộc cho các giai đoạn tố tụng khác. Trong trường hợp đàm phán đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp tên miền, các bên tranh chấp sẽ tiến hành lập biên bản hòa giải sau đó gửi lại cho đại lý đăng ký tên miền “.vn” đó hoặc Trung tâm Internet Việt Nam để làm cơ sở xử lý tên miền xảy ra tranh chấp.

Ưu điểm: Các bên tranh chấp có khả năng chủ động tiến hành và thỏa thuận với nhau nhanh chóng, nếu hai bên đạt được thỏa thuận, tên miền sẽ được chuyển nhượng hoặc đăng ký lại trong thời gian sớm nhất.

Nhược điểm: Ở Việt Nam, đa phần các bên đăng ký tên miền sẽ thường yêu cầu giá chuyển nhượng rất cao và gây nhiều khó khăn khi không đạt được yêu cầu.

2. Thông qua Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Các bên tranh chấp sẽ thống nhất đưa ra giải quyết tranh chấp tên miền thông qua Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đối với các vụ tranh chấp tên miền trong hoạt động thương mại theo các điều kiện quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010.
Ưu điểm: Thường thì thời gian giải quyết khá nhanh chóng, phán quyết trọng tài có tính chất chung thẩm.
Nhược điểm: Nếu một bên không đồng ý thông qua trung tâm trọng tài quốc tế thì không thể thực hiện phương án này.

3. Khởi kiện dân sự

Các bên tranh chấp đều có thể khởi kiện tại tòa án dân sự có thẩm quyền để yêu cầu xử lý việc tranh chấp tên miền. Và biện pháp này thường là cách cuối cùng khi không thể giải quyết được bằng các biện pháp khác.

Ưu điểm: Giải quyết tranh chấp tên miền triệt để và các bên có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nhược điểm: Tương tự như biện pháp trọng tài, việc khởi kiện tại tòa án dân sự phù hợp hơn với các tổ chức và cá nhân nước ngoài do chi phí khởi kiện và xét xử khá cao, tốn nhiều thời gian vì có thể trải qua nhiều cấp xét xử. Thực tế tại Việt Nam, rất ít có tiền lệ xét xử vụ việc theo biện pháp này. Ví dụ: năm 2009, Công ty Samsung đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án kinh tế của Thành phố Hà Nội để giành lại hai tên miền thương hiệu của samsung là: Samsungmobile.vn và samsungmobile.com.vn. Tuy nhiên, phải mất tới 2 năm, năm 2011 Samsung mới hoàn thành việc giành lại các tên miền này.

4. Biện pháp hành chính

Trước khi có Thông tư 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011, các vụ tranh chấp tên miền không có hướng dẫn để xử lý bằng con đường hành chính. Khi Thông tư được ban hành, việc xử lý tranh chấp tên miền có thể được giải quyết bằng biện pháp hành chính thông qua việc đánh giá hành vi tranh chấp cạnh tranh không lành mạnh. Theo thông tư này, Thanh tra Bộ thông tin và truyền thông, Thanh tra Bộ KH&CN và Cục quản lý cạnh tranh sẽ có thẩm quyền xử lý hành vi tranh chấp cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.

Ưu điểm: Thời gian thụ lý, xem xét và xử lý nhanh, giải quyết triệt để (có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền hoặc cưỡng chế thu hồi tên miền), tiết kiệm chi phí, cơ quan xử lý có chuyên môn cao.

Hạn chế: Không được giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có); cơ quan giải quyết dành cho các bên tranh chấp thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra văn bản kết luận việc đăng ký sở hữu tên miền đó là hành vi vi phạm pháp luật để hai bên tự thương lượng với nhau; Trong trường hợp khi hết thời hạn 30 ngày mà hai bên không thể tự thương lượng được với nhau thì cơ quan giải quyết sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc thu hồi tên miền vi phạm” và dành cho bên vi phạm thời hạn 1 năm để tự nguyện thi hành; nếu sau thời hạn 1 năm mà bên vi phạm không tự nguyện thi hành thì cơ quan giải quyết mới ra văn bản yêu cầu Trung tâm Internet Việt Nam  thực hiện việc thu hồi. Như vậy thì tổng thời gian để giải quyết cũng tương đối dài. Tuy nhiên, cũng đang có những đề nghị những tên miền xâm phạm quyền SHCN sẽ bị thu hồi sau 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành, thay vì phải đợi sau một năm như hiện nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét